CHƯƠNG III: TÌNH YÊU BA NGUYÊN NHÂN TẠO NÊN TÌNH YÊU Mọi tình yêu đều dựa trên ba chân, nghĩa là mọi tình yêu đều dựa trên ba nền tảng là sự thiện, sự hiểu biết và sự tương đồng.
Trước hết hãy xét đến sự thiện: một người có thể bị lầm lẫn trong việc lựa chọn điều mà xem ra là tốt đối với anh ta, tuy nhiên anh ta sẽ chẳng bao giờ có thể ước ao bất cứ điều gì trừ phi anh ta tin vào tính cách tốt lành nội tại của điều ấy. Gã con hoang cũng đang gắng tìm sự thiện đối với hắn đấy chứ, nghĩa là hắn đang tìm một điều gì đó để thoả mãn cơn đói của hắn – khi hắn cố gắng tọng vỏ trấu vô họng, có điều hắn chỉ sai lầm trong phán đoán của mình khi nghĩ rằng vỏ trấu là thức ăn thích hợp đối với một con người. Tất cả chúng ta cũng đều ở trong tình cảnh khó xử giống như hắn ta. Chúng ta luôn luôn gắng lấp đầy cuộc sống mình, tâm trí mình, xác thân mình, nhà cửa mình bằng những “điều thiện” và chúng ta sẽ chẳng chấp nhận điều gì nếu nó không ẩn chứa một cái gì tốt trong đó. Tuy nhiên sự đánh giá của chúng ta không phải lúc nào cũng chính xác, chúng ta có thể lầm lẫn giữa cái bề ngoài và cái tốt thực sự, và điều đó đã làm hại chính chúng ta.
Nếu không nhắm đến sự thiện thì cũng sẽ chẳng có tình yêu dù là yêu tổ quốc, yêu khoái lạc, yêu bè bạn hay yêu tình nhân. Qua yêu thương, mỗi con tim cố gắng tạo cho mình một sự hoàn hảo mà nó thiếu, hoặc cố gắng biểu lộ sự hoàn hảo mà nó đã có được. Mọi tình yêu phát sinh từ sự thiện, hướng về sự thiện thì tự bản chất nó thật đáng yêu đối với con người.
Sự thiện mà chúng ta yêu mến nơi kẻ khác không hẳn luôn luôn là sự thiện thuộc lãnh vực luân lý; nó có thể thuộc lãnh vực thể lý hoặc tiện ích. Trong những trường hợp như thế, cá nhân nào đó được chúng ta yêu có thể vì lạc thú người ấy mang lại cho chúng ta, hoặc người ấy hữu ích đối với chúng ta hoặc vì người ấy sinh lợi cho chúng ta và cũng có thể vì một lý do ích kỷ nào đó. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp như thế cũng vẫn có một điều tốt nào đó mà chúng ta kiếm tìm khi chúng ta yêu và nếu chẳng có điều gì xem ra tốt với chúng ta hết thì chắc chắn chúng ta đã chẳng thể nào quan tâm đến.
Tuy nhiên trong mọi tình yêu cũng đều hàm chứa sự hiểu biết: chúng ta không thể yêu những gì mà chúng ta chẳng biết (vô tri bất mộ). “Hãy giới thiệu tôi cho cô ấy” là câu nói mà một người đàn ông đang tìm cách làm quen với một phụ nữ thường nói khi anh ta biết rằng đây là điều kiện để anh ta có thể thực sự yêu cô nàng. Ngay cả “nàng tiên trong mộng” của một chàng độc thân nào đó cũng phải được chàng ta xây dựng nên từ những mảng tri thức anh ta có trong trí về cô nàng. Sự căm ghét đến từ thiếu hiểu biết như thế nào thì tình yêu cũng đến từ sự hiểu biết như vậy; bởi thế mà sự cố chấp liên quan đặc biệt với sự ngu dốt.
Trong những thời gian đầu, hiểu biết là điều kiện mang lại tình yêu; tuy nhiên một khi mối tương giao càng sâu đậm thì tình yêu càng làm tăng hiểu biết. Một cặp vợ chồng chung sống với nhau nhiều năm thì sẽ có được một loại hiểu biết mới mẻ về nhau, sâu sắc hơn bất cứ lời nói hay bất cứ sự phân tích động cơ nào có thể cung cấp được. Sự hiểu biết này (vào những tuần trăng mật không thể có được) dần dà đến từ yêu đương bằng hành động, giống như một loại trực giác nhờ đó mà ta hiểu được những gì ẩn chứa nơi tâm trí của người kia. Như thế chúng ta có thể yêu thương dù chưa biết nhiều về người đó. Chúng ta có thể để cho sự thành tín lấp đầy khiếm khuyết của trí năng chúng ta. Vì thế mà một người thành tín có thể yêu mến Chúa nhiều hơn một nhà thần học, và tình yêu này có thể giúp người ấy hiểu được sâu sắc những đường lối của Chúa đối với trái tim con người hơn bất cứ một nhà tâm lý nào khác.
Một trong những lý do khiến người đàng hoàng thường tránh bàn luận tầm thường về tính dục là vì trong một tương quan thân mật như thế, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai người không thể nào thông truyền cho người khác được. Cuộc trao đổi giữa hai người ấy quá nồng nàn đến nỗi không thể chia sẻ với kẻ bên ngoài; không thể dung tục hoá mối thâm tri thánh thiện ấy được. Có sự kiện tâm lý này là những người đã cảm nhận được kinh nghiệm về vấn đề tính dục trong tình yêu kết hiệp của hôn nhân thường rất ít muốn phô diễn sự huyền bí mà mình đã cảm nghiệm ấy ra trước ánh sáng cho đám đông bàn bạc. Chẳng phải là vì họ “mất ảo tưởng” về tính dục mà chẳng qua bởi vì giờ đây nghệ thuật yêu đương siêu vượt của họ đã biến đổi được hành vi tính dục đến nỗi những kẻ đứng bên ngoài không thể nào có thể hiểu được bản chất của kinh nghiệm chia sẻ đó.
Trái lại, những kẻ không thăng hoá được hành vi tính dục thành mầu nhiệm của tình yêu (những người này thường thấy thất vọng) lại là những kẻ khoái bàn bạc về tính dục. Những người vợ người chồng bất trung thường hay bàn bạc về những đề tài tính dục chứ các bậc làm cha làm mẹ sống hạnh phúc với nhau thì chẳng bao giờ muốn nhắc đến những câu chuyện ấy.
Khi sự hiểu biết giữa hai người đã chuyển biến thành tình yêu thì tâm hồn người ta cảm thấy tràn đầy đến nỗi chẳng cần một kẻ khác thêm thắt điều gì nữa cũng chẳng bao giờ cần phô bày mối thâm tình ấy ra cho ai cả. Kẻ nào mà bộc lộ những tương giao mật thiết ấy ra cho người khác nghe thì chứng tỏ tình yêu của kẻ ấy chưa cao vời đủ để đáng gọi là một mầu nhiệm: tình yêu đó vẫn còn nằm ở phạm vi những kẻ đi tìm tính dục mà thôi!
Điểm tựa thứ ba của tình yêu là sự tương đồng: tương đồng dẫn hai người đến tình yêu không nhất thiết là hai người ấy hoàn toàn giống y hệt nhau. Tương đồng ở đây chỉ muốn nói là điều mà người này đang có trong tiềm thể. Bởi vì tự bản chất tâm hồn con người là khiếm khuyết nên nó luôn ao ước sự hoàn thiện; và qua tình yêu chúng ta tìm cách bổ túc những khiếm khuyết của mình. Anh thanh niên chất phác sẽ mong cưới được một cô gái xinh đẹp bởi vì sắc đẹp tiềm tàng (cái mà anh ta không có nhưng hằng ao ước) lôi kéo anh ta tìm đến cái sắc đẹp vượt quá con người anh ta.
Nhờ vào đặc tính tương tự này mà ngay cả những gì tầm thường vô giá trị nhất trong tình yêu của chúng ta cũng được thăng hoa. Một phụ nữ đua tranh danh vọng thường say mê các bậc “anh hào” bởi vì các vị này đang có điều mà cô ta mong muốn nhưng chưa có. Xét về cấp độ cao hơn, các thánh thường yêu thương kẻ tội lỗi, không phải vì kẻ tội lỗi đã chia sẻ được các đặc tính đã được tâm hồn các thánh triển khai, mà chính vì một vị thánh có thể hiểu được cái nhân đức đang tiềm ẩn nơi kẻ tội lỗi. Đó là lý do tại sao Con của chính Thiên Chúa đã trở nên Con người: bởi vì Ngài yêu mến cái khả thể nơi con người hay nói theo lời thánh Augustinô “Ngài đã trở thành người ngõ hầu con người có thể trở thành Thiên Chúa”.
THẤT TÌNH MỚI NHẬN RA TÌNH
Các cuộc hôn nhân thường thất bại khi tình yêu không được trong sáng như khung cửa trông về hướng bầu trời mà lại như bức màn che khuất tầm mắt khiến người ta không nhìn thấy được nữa. Khi các đôi bạn không nhận ra tình yêu xác thịt chỉ là khúc dạo đầu dẫn tới tình yêu tâm hồn thì một trong hai thường bắt người kia phụng thờ mình như là một vị Thiên Chúa. Đây chính là sự thờ ngẫu tượng, lấy hình ảnh làm thực tại, lộn bản sao thành bản chính, tráo khung ảnh thành bức hình.
Tình yêu nhân loại thường hứa hẹn với chúng ta điều mà thực ra chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho. Khi yêu nhau mà phớt lờ Chúa qua một bên, thì ta sẽ khám phá ra người mà chúng ta tôn thờ như thần linh đó, không phải là thiên thần, đừng nói chi là Thiên Chúa. Bởi vì chàng hoặc nàng đó không thể nào ban cho chúng ta mọi điều hứa hẹn, cho nên thường chúng ta sẽ cảm thấy người đó là kẻ phản bội, lường gạt, gây thất vọng và bịp bợm ta. Cành hồng mà chẳng sinh ra được bông hoa thiên sắc thì quả thật đáng trách biết bao. Vì thế chẳng lạ gì tình yêu nhục cảm biến thành nỗi căm ghét khi đối tượng từng được thần thánh hoá nay bị khám phá là chân lấm bùn dơ, cô “ả” chỉ là một phụ nữ chứ nào phải một thiên thần, anh “nọ” cũng chỉ là một gã đàn ông chứ nào phải thần Apôlô. Khi cơn mẩn mê không còn nữa, ban nhạc đã ngừng chơi, hương đời thôi nhạt sắc thì tình nhân bỗng bị gọi là kẻ lừa bịp, lường gạt. Thế rồi viện cớ không hợp, họ đưa nhau ra toà xin ly dị.
Sao đó người ta lại đi tìm kiếm một bạn đời mới, với giả định lần này sẽ gặp được người có thể mang lại cho mình điều mà thực ra chỉ có Chúa mới có thể ban cho. Thay vì nhìn ra được lý do nền tảng khiến cho hôn nhân thất bại là không chịu sử dụng tình yêu hôn nhân như một chuẩn bị để bước bào tình yêu Thiên Chúa, thì người ta lại cứ nghĩ rằng lớp vỏ trấu kia có thể làm thoả mãn con người, đang khi lẽ ra phải là bánh thiên thần. Sự kiện rõ ràng chàng kia ả nọ vẫn đi tìm bạn đời mới chứng tỏ họ chưa hề gặp được tình yêu, bởi vì mặc dù có thay đổi đối tượng tình dục, họ vẫn không thấy tình yêu. Quả thế, tình dục cung phụng cho khoái lạc đang khi tình yêu là dành cho con người.
Trâu bò có thể ăn cỏ trên những đồng cỏ khác chứ con người thì không chấp nhận sự thay thế. Đặt con người ngang hàng một gói đồ để rồi xét đoán theo cái bao bì bên ngoài thì chắc chắn sự đánh giá sẽ không thể nào bền một khi dây kim tuyết cột bao ngã màu cũng như khi bao bì đó bị quẳng đi. Sắp xếp như thế là nô lệ hoá người phụ nữ bởi vì nàng là một tạo vật cần nhiều thời giờ hơn người nam, cũng như qua năm tháng càng ngày nàng càng ít được an toàn hơn.
Nàng luôn luôn quan tâm đến tuổi tác hơn người nam, luôn lưu tâm đến hôn nhân nhiều hơn. Sở dĩ thế là vì người nam chưa sống đã sợ chết rồi, còn người phụ nữ thì lại sợ chết trước khi sinh sản ra sự sống. Người phụ nữ thường ao ước chu toàn phận vụ hơn người nam, nàng ít thèm khát kinh nghiệm cuộc sống cho bằng kéo dài cuộc sống. Bất cứ khi nào luật pháp và tục lệ một quốc gia ủng hộ cho lối sắp xếp kỳ thị, xem phụ nữ chẳng qua là thứ chỉ biết lo việc bếp việc núc, thì cuối cùng họ sẽ khiến phụ nữ trở thành nô lệ không phải cho bếp núc mà là cho cánh đàn ông.
Cuộc sống không phải là bẫy gài cũng không phải là ảo tưởng. Nó chỉ trở thành bẫy gài hay ảo tưởng khi không có Đấng Vô Biên thoả mãn cho các hoài vọng của nó. Ai cũng mong muốn một Tình Yêu không bao giờ tàn lụi và một tình yêu không biến thành căm ghét hay nhàm chán. Tình yêu ấy vượt quá khả năng con người.
Tình yêu nhân loại là một tia sáng phát sinh từ ngọn lửa vĩnh cửu to lớn. Hạnh phúc phát sinh từ cuộc giao hoan thể xác chỉ là khúc dạo đầu cho sự kết hiệp hai tinh thần nên một. Trong trường hợp này, hôn nhân trở nên cái âm thoa dẫn đến khúc hát thiên thần hay như một dòng sông tuôn ra biển cả. Lúc bấy giờ hiển nhiên người ta tìm được câu trả lời cho bí nhiệm của tình yêu và tìm được sự giao hoà giữa sự kiếm tìm và đích đến; đó là cuộc hiệp thông cuối cùng với Chúa nơi đó săn đuổi và bắt lấy, lãng mạn và hôn nhân tuôn trào trộn lẫn với nhau thành một. Bởi vì Chúa là Đấng Vô Biên, là Tình Yêu Vĩnh Cửu nên ta phải hăng say săn tìm Ngài mãi mãi nay mới hiểu nổi chiều sâu thăm thẳm nơi Ngài.
TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
Có hai loại tình yêu: yêu để thoả mãn khoái lạc riêng mình hoặc yêu vì lợi ích kẻ khác; loại thứ nhất thuộc về tình yêu nhục thể, loại thứ hai thuộc về tình yêu thiêng liêng. Tình yêu nhục thể thì chỉ giúp ta biết được tha thể trong một giây phút được gọi là sinh học, còn tình yêu thiêng liêng thì giúp ta biết được người kia mọi lúc. Trong tình yêu nhục thể, hạnh phúc riêng mình thường được xem trọng hơn là lo lắng cho kẻ kia, còn trong tình yêu thiêng liêng thì lo cho kẻ kia lại là cơ hội giúp mình phụng sự.
Đã có thời gian, thế giới hiện đại này từng bị phỉnh gạt lừa dối khi gán cho tình yêu một ám ảnh mơ hồ nào đó nhan nhản trên các chương báo quảng cáo, phủ trùm lên các kỹ nghệ điện ảnh; các tay soạn kịch giật gân phải giải quyết các mối tình tay ba bằng cách cho một người tự sát, viết thành các tiểu thuyết bán thật chạy, mô tả tình yêu như là thứ hương quyến rũ mà các tay mơ không với tới được, là thứ tăng thêm “gia vị” cho tính hài hước của con người. Như thế tình yêu trở nên tầm thường đầy nhục cảm đến nỗi những kẻ thực sự yêu đương cũng hầu như ngại không dám dùng từ ngữ này. Giờ đây thì tình yêu lại được sử dụng hầu như duy nhất để diễn tả “phái này”, “phái nọ” chứ không phải diễn tả một nhân vị: diễn tả những hạch nội tiết chứ không phải ý chí, và được tập trung vào sinh vật học chứ không phải nhân cách học! Ngay cả khi thứ tình yêu đó được nguỵ trang thành sự mê mẩn thì chẳng qua chỉ là ước muốn gia tăng tính vị kỷ của riêng mình mà thôi.
Tình yêu nhân loại chỉ là phôi thai của tình yêu Thượng Đế. Người ta đã nhận thấy điều này manh nha từ Platon. Theo ông ta, mục đích của tình yêu là tạo nên bước khởi đầu giúp ta tiến đến tôn giáo. Platon mô tả thứ tình yêu dành cho những con người xinh đẹp được biến đổi thành thứ tình yêu dành cho các linh hồn tốt đẹp và rồi dành cho tình yêu công chính, yêu sự thiện và cuối cùng là yêu Thượng Đế, nguồn mạch của những thứ tình yêu đó. Vì thế, tình yêu nhục cảm chỉ là cây cầu chúng ta bước qua chứ không phải là trụ cột để ta dựa vào đó mà ngồi nghỉ; nó không phải là một phi trường mà là một phi cơ; nó phải luôn luôn dẫn ta đến một nơi chốn nào đó thẳng lên và cao hơn. Mọi thứ tình yêu nhục cảm đều khiếm khuyết cần được bổ túc kiện toàn cho sung mãn, bởi vì mọi tình yêu đều được ví như chuyến bay đi tìm Vĩnh Cửu. Nơi mọi hình thức tình yêu nhục cảm đều hàm ẩn lời mời gọi hướng tới tình yêu Thiên Chúa giống như mặt nước hồ phản chiếu ánh trăng. Chỉ có lý do duy nhất khiến con người yêu mến các tạo vật khác là bởi vì tình yêu ấy có thể dẫn họ đến tình yêu đấng Tạo Hoá. Tựa như thực phẩm là để nuôi xác thân, xác thân để phục vụ linh hồn. Vật chất phục vụ tinh thần thế nào thì xác thịt cũng phải hướng đến vĩnh cửu như thế. Đó là lý do tại sao người ta thường khám phá ngôn ngữ dành cho thần thánh ngay nơi ngôn ngữ tình yêu của con người chẳng hạn các từ như “Thờ phụng”, “Thiên thần”, “Tôn thờ”…
Đấng Cứu Thế đã không dập tắt các ngọn lửa hồng trong tim kiều nữ Mađalêna nhưng đã biến đổi các ngọn lửa ấy để chúng tìm được đối tượng mới để yêu thương. Lời tán dương Chúa dành cho người phụ nữ để dầu xức lên chân Đấng Cứu Thế của cô, nhắc cô luôn nhớ rằng tình yêu mà cô đã từng dành để tìm kiếm lạc thú cho riêng nó có thể biến đổi thành mối tình sẵn sàng chết cho kẻ mình yêu. Vì lẽ đó Ngài đã bàn luận đến việc an táng Ngài ngay lúc mà trong tâm trí cô nàng bừng dậy niềm khát khao sống mãnh liệt nhất.
Kế hoạch Thiên Chúa thường dùng là sử dụng tình yêu nhục thể làm bệ đá dẫn đến tình yêu Thiên Chúa, vì thế nơi một tâm hồn biết sống điều độ thì luôn luôn tình yêu nhục thể sẽ giảm dần theo thời gian để nhường bước cho tình yêu mang tính tôn giáo tăng lên. Đó là lý do tại sao trong các cuộc hôn nhân đích thực, đôi bạn sẽ ngày càng yêu mến Thiên Chúa hơn, điều này không có nghĩa là hai vợ chồng ít yêu nhau hơn mà chỉ có nghĩa là càng ngày họ càng yêu mến Chúa hơn. Tình yêu chuyển đổi từ khoái cảm ngoại hình đến những chiều kích nhân vị sâu thẳm nhuốm đầy thần khí.
Ít mà thấy được điều gì đẹp hơn nỗi đam mê mà một người đàn ông dành cho một phụ nữ từng cưu mang bầy con cái của ông như là hiện thân của chính tình yêu hai người, được biến thành “nỗi đam mê sâu sắc, trầm bình, không hoen ố” mà anh ta dành cho Thiên Chúa…
CÁC HẬU QUẢ DO THIẾU TÌNH YÊU GÂY RA
Đa số con người trên thế giới không được yêu thương. Một số không đáng yêu là do họ sống ích kỷ, một số khác thì không thấm đủ tinh thần Kitô giáo để yêu được những kẻ không yêu họ. Hậu quả là thế giới đầy dẫy những tâm hồn đơn côi. Ở đây chúng ta không bàn đến thứ tình yêu theo nghĩa lãng mạn hay nhục dục, mà chỉ bàn đến tình yêu trong ý nghĩa cao cả hơn liên quan đến lòng quảng đại thứ tha, tốt bụng và hy sinh. Có lẽ cần phải giúp cho một số người biết được một vài hậu quả tâm lý xảy đến do thiếu lòng mến yêu tha nhân một cách thực sự cao thượng và vô vị lợi.
Hậu quả thứ nhất là chúng ta sẽ không muốn đón nhận tình yêu bởi vì chúng ta xem sự quảng đại và yêu thương kẻ khác như là việc đáng ghét chưa kể là đáng thù nghịch. Chẳng bao giờ chúng ta muốn nói với bất cứ ai một điều gì cho tử tế. Bởi vì không được yêu nên con người cố gắng làm cho kẻ khác cũng chẳng đáng yêu. Tính tốt thì bị tiêu trừ, những động cơ đẹp nhất bị kể như là tồi nhất, người ta dần dà tin tưởng và quảng bá sự nói xấu lẫn nhau. Khi kẻ khác biểu lộ lòng tốt với mình thì mình lại nghĩ “chắc họ cầu mình gì đây?” Ngay cả quà tặng người ta biếu cho cũng bị ngờ vực và những lời kẻ khác khen ngợi dầu chân thành nhất cũng bị nghĩ là có hàm ý gì xấu xa. Bởi vì người ích kỷ rất khốn khổ nên họ tìm cách làm cho kẻ khác cũng khốn khổ lây. Chẳng bao giờ người ích kỷ thấy được chính họ là duyên cớ gây ra bất hạnh cho chính họ. Ai đó mới đáng trách chứ không phải họ. “Sở dĩ tôi va vào cái xe kia là vì sáng nay tại buổi điểm tâm anh đã làm cho tôi bực mình khi hỏi tôi về số tiền còn lại trong nhà băng. Tôi bị cảm lạnh vì anh đã không cho tôi tấm áo lông chồn như các bà vợ sĩ quan khác thường mặc”.
Và rồi sự thiếu vắng tình yêu sẽ mang lại nỗi thống khổ phức tạp giống như một nỗ lực bệnh hoạn nhằm kiếm chút thương hại, cảm thông khi tình yêu thực sự đã tan biến rồi. Bệnh “giả vờ” là một trong những ngón này. Bởi vì khoẻ mạnh thì chẳng được ai thương mến, người ta thường giả vờ bị thương tích để hy vọng sẽ được một ai đó băng bó vết thương cho mình. Cái “đau” trong tâm trí ở đây chính là sự mất mát tình yêu. Cái “đau” ấy chuyển di vào trong thân xác và trở nên bệnh tật. Giả như có thể dùng lời nói phát ra từ tim đen những kẻ như thế thì hẳn phải là những lời sau đây: “Tôi thực sự muốn khoẻ chứ. Nhưng nếu tôi đau ốm thì họ mới tỏ ra yêu thương tôi”. Y hệt như các cơn nhức đầu có thể phát sinh do ý muốn trốn tránh trách nhiệm, thì bệnh tật cũng có thể phát sinh từ ý muốn được kẻ khác yêu thương. Điều này đã xảy ra cho một số người nằm giường đẩy hằng bao nhiêu năm hoặc liệt chân không bước đi được. Cơn động đất ở San Francisco cho thấy hơn 30 người trước đó hơn suốt 20 năm trời không bước bộ được, thế mà đã đứng dậy và bước đi được khi cơn động đất xảy ra. Những kẻ này đúng ra bị tàn tật về tâm trí chứ nào phải về thể lý.
Một kiểu phản ứng khác thường thấy xảy ra nơi những người chấp nhận mình cần có tình yêu nhưng lại nói là: “Kể từ bây giờ, tôi quyết định không cần đến tình yêu thử xem!” Kết quả là những người này khai triển một thứ tinh thần độc lập giả tạo, rồi dần dà họ thường gây sự, đối chọi mọi ý kiến, mọi gợi ý mặc dù là tốt mấy đi nữa, họ phát triển nơi mình bản năng chống đối xã hội, chỗ có biển đề cấm hút thuốc thì họ lại lấy thuốc ra hút, chỗ cấm đậu xe thì lại đem xe đến đậu. Cứng cỏi, thô lỗ, hơi tàn bạo và hàm hồ nhiều khi chẳng qua chỉ là biểu lộ của sự trống trải thiếu vắng tình yêu.
Rõ ràng là xã hội ngày hôm nay nhấn mạnh nhiều đến sự an toàn, nguyên nhân chẳng qua chỉ vì thiếu vắng tình yêu. Các thế hệ trước người ta từng ao ước hạnh phúc và nhiều người đã từng sống hạnh phúc trong mối dây ràng buộc với gia đình và hôn nhân hoặc trong vòng tay tôn giáo. Giờ đây sự bất an về gia đình do vấn đề ly dị gây ra ngày càng gia tăng. Phải đem lại cho tình yêu hôn nhân sự vững bền bằng cách liên tục kiếm tìm sức mạnh và sự an toàn là những sự hợp tổ nho nhỏ dẫn đến hạnh phúc. Người thương gia cứ cắm đầu cắm cổ trong công việc và thường lưu lại trễ nơi phòng làm việc chứ không muốn về nhà sớm có thể đôi khi là để bù trừ cho sự thiếu vắng tình yêu trong gia đình. Hiện vài bác sĩ đang cho thấy một số bệnh ngoài da có liên quan đến các nguyên nhân tâm trí. Người ta cho rằng một số người sợ phải “đương đầu với cuộc sống” đến nỗi phát sinh những vết chàm trên da. “Tâm trí bị tì ố” hiện ra nơi “xác thân bị tì ố”. Dù y học có bằng cớ gì về quan điểm này đi nữa, thì quả thực chẳng có một nhóm phụ nữ nào xem ra có nước da giống các nữ tu. Đa số nữ tu chẳng bao giờ trông vào gương, tuy thế họ có được một vẻ đẹp khôn sánh mà nhiều kẻ khác không có, đó là vẻ đẹp do nơi lương tâm tốt lành và tâm hồn bình an.
Một phụ nữ biết đè nén lỗi lầm và biết tự nhủ: “Tôi là một con hủi về mặt luân lý” thì hẳn sẽ chấm dứt được cơn bệnh ngoài da một khi bà ta đã hoà giải với chồng mình.
Chỉ có tình yêu mới chữa lành được sự thiếu vắng tình yêu. Người đáng yêu thì luôn luôn sẽ được yêu và sẽ chẳng bao giờ có tình yêu cho kẻ không đáng yêu, trừ phi chúng ta bắt đầu yêu thương họ vì Chúa. Như thế chúng ta được mang trở về lại với tôn giáo và về với Thiên Chúa là Đấng mà bản chất của Ngài được Tân Ước định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
ĐẤNG VÔ BIÊN VÀ TÍNH DỤC
Trong số những thứ con người biết được thì điều mà họ biết ít nhất là chính bản thân họ. Con người luôn luôn tìm cách giải đáp bài toán đố về chính mình, tìm cách chứng minh ý nghĩa bản tính mình. Một số văn sĩ hiện đại cố gắng tìm ra một giải pháp vắn gọn bằng cách giản lược con người vào một trong những bản năng tức bản năng tính dục. Rối rắm vì khó mà hiểu cho hết được toàn bộ con người, các văn sĩ này liền khai trừ khỏi ý thức mọi thứ liên quan đến con người ngoại trừ địa hạt nhỏ nhoi này, và trong khi nghiên cứu địa hạt ấy, họ cho rằng họ đã đóng khung được hình ảnh về con người. “Lối trả lời” này được tìm thấy phổ biến nơi những kẻ đã đánh mất sự hiểu biết về mục đích thật của cuộc sống, họ chẳng hiểu gì đến cứu cánh riêng của mình nên đã bám víu vào các kinh nghiệm giác quan và sử dụng chúng như một thứ ma tuý hầu giúp họ may ra thoát khỏi nỗi âu lo về ý nghĩa tối hậu cuộc đời mình.
Thực ra, tình dục chỉ là một phần nhỏ trong sinh hoạt của con người, tuy nhiên nó luôn luôn là cầu nối dẫn đến vô biên, dẫn đến siêu nhiên, vì nếu tình dục không được tình yêu vô vị lợi thánh hoá thì nó sẽ trở thành xấu xa khủng khiếp. Con người không thể “chỉ là một con thú vật” như những loài thú vật khác. Lúc còn trẻ tình dục ở vào giai đoạn mạnh nhất, người ta thường có cảm giác mình là vô biên. Những người trẻ sống trong mộng mơ và hy vọng về tương lai, trong cái nhìn của họ mọi ước muốn đều gần như vô biên đến nỗi chủ nghĩa thần bí giả tạo rất gần gũi với sự cuồng nhiệt nơi tuổi trẻ; hễ người thanh niên cảm thấy điều gì thì cứ y như là điều ấy trở nên mãnh liệt đến mức y không cản ngăn nổi.
Trong số những nguyên nhân khiến con người từ chối Thiên Chúa, vấn đề tính dục vẫn chưa được xét đến một cách nghiêm chỉnh. Chính sự xấu hổ hay sự phủ nhận xấu hổ bao hàm rằng bản năng này là một bản năng có liên quan đến tinh thần, khác với những thứ bản năng khác. Chẳng ai đỏ mặt vì thèm ăn, dù là đang cực kỳ đói, thế mà ai cũng đỏ mặt khi bị tố cáo đã “chấm mút” lén lút trong tình yêu. Người ta trực giác thấy có một điều gì đó linh thánh và bí mật trong thứ đam mê này đến nỗi không thể đồn đại bừa bãi ra được; nó bao hàm những bí mật có trời mới biết nổi. Đó chính là lý do tại sao ngay cả nơi các dân tộc man sơ, hôn nhân luôn luôn được phủ trùm bằng các nghi thức mang tính cách tôn giáo.
Không thể nào khai trừ tinh thần ra khỏi tính dục. Con người thường ao ước tìm được thứ tín trung và tình yêu trường cửu, nhưng lòng trung thành và nhiệt tâm thực sự không phát sinh từ xác thịt mà là từ tinh thần của con người. Như thế, tính dục hoạt động như một mối liên kết giữa thế giới tinh thần và thế giới vật chất. Sở dĩ có sự xấu hổ là nhằm để bảo vệ khía cạnh tinh thần khỏi bị bàn tay ô uế của trần thế phanh phui. Và chính qua tinh thần mà con người trở thành đồng minh của vô biên.
Thực tế, tình yêu vừa là nguồn gốc vừa là mục đích của tính dục, nên xét về một khía cạnh khác, có thể nói rằng tình yêu là vô biên: nghĩa là là nó luôn tuôn trào, toả sáng ra từ trung tâm nhỏ bé của bản ngã đến những khoảng rộng bao la không biên giới. Tình yêu mang đặc tính ly tâm, nó rời bỏ cái tôi để tìm kiếm đối tượng của mình nơi Thiên Chúa và nơi đám con cái Ngài mà chúng ta gặp thấy trên đường đi. Tình yêu là thứ mà chúng ta không bao giờ có thể tàng trữ, nó phải là thứ mà chúng ta cần phải tiêu pha đi nếu chúng ta muốn chiếm hữu được nó. Trong gia đình tình yêu quả là một tấm gương mỹ lệ bởi vì ở đây đầu tiên chỉ có tình yêu giữa hai vợ chồng, sau đó dần dà tình yêu ấy lớn lên trải lan đến con cái họ và rồi người này lan sang kẻ khác.
Một khi tình yêu đã cho đi thì chớ nên bao giờ lấy lại, đúng như kế hoạch của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là càng lúc chúng ta càng vươn ra khỏi chính mình để đi tới lòng vô biên của Chúa cho đến khi chúng ta yêu mến tất cả mọi sự bởi vì chúng ta thấy được là chúng thuộc về riêng Ngài. Tuy nhiên nếu tính dục tách lìa khỏi tình yêu và trở nên một phương tiện tự làm thoả mãn mình thì bấy giờ tiến trình ấy lại trở thành không lành mạnh. Bấy giờ tha nhân chỉ còn là một phương tiện thoả mãn lạc thú cho chúng ta chứ không còn là một cá nhân đòi hỏi chúng ta phải yêu mến. Cuộc hợp hoan sẽ trở thành một thứ trao đổi lạc thú ích kỷ. Và bởi vì tình yêu không bao giờ được phép co rúm lại nên một khi rút nó về lại cái ngã như thế chúng ta đã biến nó thành độc dược, thành gánh nặng chất chứa lên tâm hồn, biến năng lực của nó thành niềm căm ghét. Cử động hướng tâm của tình yêu… hướng người láng giềng và Thiên Chúa về cho cái ngã của mình… sẽ chỉ mang lại thất vọng, căm ghét và âu lo. Thiên Chúa có thể đến với chúng ta ngang qua bất cứ kẻ nào chúng ta yêu mến miễn là tình yêu chúng ta dành cho kẻ ấy là thứ tình yêu trao ban, vì lợi ích của riêng chúng ta. Còn thứ hành vi tính dục ích kỷ thì sẽ tiêu huỷ mối tương giao của chúng ta với Chúa và với tha nhân. Đấng Vô Biên luôn đi vào qua cánh cửa của những ai biết yêu thương quên mình; còn nếu cứ bo bo về lại với cái ngã của mình tức là trở về lại với nỗi bất bình vô hạn. Nỗi bất bình này luôn đi kèm theo mọi nỗ lực mưu tìm hạnh phúc bằng cách buông thả chính mình.
Tính dục là một trong những hành vi có liên hệ đến “thần kinh” nhất của con người: không một hành vi nào mà xác thể và linh hồn, hữu hạn và vô biên, xác thịt và tinh thần đan quyện vào nhau như thế. Khi nào tính dục giúp hai người nối kết với nhau thì an bình và hoan lạc sẽ nảy sinh. Còn khi xác thịt và tinh thần phân cách nhau và tính dục được tìm kiếm một cách đơn lẻ thì người ta lập tức sẽ cảm thấy phiền muộn. Nhiệm vụ lâu dài của cuộc sống là gìn giữ mối tương giao linh hồn thể xác trong trật tự thích hợp của chúng. Thứ triết lý tính dục phớt lờ yếu tính này sẽ khuyến khích người này chỉ yêu thân xác kẻ nọ và như thế sẽ làm tiêu mất tình yêu, bởi vì đối tượng của tình yêu phải là cả thân xác –kèm theo – linh hồn, như thế tình yêu mới có thể bền vững được. Phải có Đấng Vô Biên vượt bên trên mới giúp cho hai người nam nữ bền vững trong tình yêu.
Nếu hai người cố gắng bỏ tinh thần qua một bên… và giới hạn vấn đề “yêu đương” chỉ riêng cho “anh” và “em”… thì chẳng còn gì là tình yêu nữa. Bởi vì hoặc là “em” sẽ đắm chìm trong “anh” (do quyền lực và sự cám dỗ) hoặc là “anh” sẽ đầu hàng “em” (tức là tôn thờ ngẫu tượng). Như thế hai nhân vị chỉ có thể viên mãn và thương yêu nhau nếu biết mời Thiên Chúa vô biên đến chúc phúc cho họ.
VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH YÊU
Để nguỵ trang cho những lý do thực sự của lòng vị kỷ, cái tôi thường viện dẫn ra một phương cách đặc biệt nào đó. Nó có thể làm bộ như lo lắng cho việc an sinh của kẻ khác song thực sự nó đang tìm kiếm lạc thú cho riêng mình.
Có vài người thường thích khoác lác là mình bao dung nhưng thực sự chẳng qua họ bị cái tôi vị kỷ sai khiến. Họ muốn đừng ai rớ đến những gì họ đang nghĩ dù có sai trái mấy đi nữa, vì thế họ bênh vực cho lòng bao dung đối với tư tưởng của kẻ khác. Tuy nhiên bao dung kiểu đó rất là nguy hiểm bởi vì ngay khi cái tôi bị quấy rầy hay đe doạ thì người ta sẽ trở thành bất nhẫn ngay lập tức. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao một nền văn minh khoan dung với các ý tưởng xấu mà cứ tưởng là bác ái với tha nhân, thì chắc hẳn không bao lâu sẽ khơi mào cho những cuộc bắt bớ tàn nhẫn.
Kẻ vị kỷ luôn luôn cảm thấy cái tôi của mình thiếu một thứ gì đó. Hành vi chính yếu của hắn là luôn luôn phải lôi kéo về cho mình một cái gì đó, tương tự như cái họng lúc nào cũng muốn tọng thức ăn vào. Chẳng hề muốn cho ra, chẳng hề thích phục vụ, và chẳng bao giờ chấp nhận một hy sinh nào, bởi vì theo hắn hy sinh có nghĩa làm giảm đi chính mình.
Ngược lại, tình yêu đích thực luôn cảm thấy nhu cầu cho đi mãnh liệt thôi thúc mình hơn nhu cầu nhận lãnh. Khi tình yêu này khởi đầu, người ta luôn cảm thấy không bao giờ mình có thể cho đi cho đủ. Và dù tặng phẩm có quí giá ngần nào, nó vẫn xem ra chưa sánh được với lòng muốn cho thêm. Giá cả thì sá gì, bởi vì chúng ta nào muốn nhìn nhận một tỷ lệ tương xứng giữa quà tặng và nhu cầu trao ban. Thảm kịch sẽ xảy ra khi tình yêu bắt đầu tàn lụi, bởi vì lúc đó người ta sẽ không còn muốn cho ngay cả cái họ có sẵn. Lúc này không còn là vấn đề không thể cho người kia cho đủ nữa, mà đúng hơn là chẳng cho người kia cái gì ráo.
Trong tình yêu đích thực thì luôn bao hàm sự xót thương và sự cần thiết. Xót thương ở đây có nghĩa là người ta cảm thấy nhu cầu trải rộng và trao ban triệt để; còn cần thiết ở đây có nghĩa là bởi vì tình yêu hàm chứa một khoảng trống mà con người muốn thấy được lấp đầy. Tình yêu đích thực sẽ đón nhận mà chẳng bao giờ giải thích những gì được trao ban, chẳng bao giờ tìm kiếm một động lực nào khác ngoài chính tình yêu. Kẻ nào còn hỏi “tại sao” lại cho đi một vật gì đó thì chứng tỏ kẻ ấy chưa tin tưởng.
Một trong những bi kịch của thời đại chúng ta là người ta thường chỉ nghĩ rằng tự do là thoát khỏi một điều gì đó thay vì lẽ ra phải nghĩ rằng tự do là để phục vụ cho tình yêu. Kẻ nào yêu mến tất cả mọi người thì mới đúng là kẻ tự do, còn kẻ nào nuôi lòng căm giận thì thực sự đã nô lệ hoá chính mình. Kẻ căm ghét thì lệ thuộc cái mà hắn ta không thể yêu nổi và do đó, hắn ta chẳng thể có tự do. Thù ghét anh láng giềng là một hình thức hạn chế tự do của mình, bởi vì mình buộc phải đi vòng thêm một khu phố để tránh gặp mặt anh láng giềng đó, hoặc phải chờ cho anh ta ra khỏi nhà rồi mình mới rời khỏi nhà mình được.
Chính tình yêu và dục vọng của chúng ta qui định nỗi đau khổ của chúng ta. Chẳng hạn nếu chúng ta cực kỳ yêu thích lạc thú của thân xác thì niềm đau lớn nhất của chúng ta là mất sức khoẻ, nếu chúng ta cực kỳ ham mê của cải thì nỗi âu sầu lớn nhất của chúng ta là sự bất an toàn, còn nếu chúng ta cực kỳ yêu mến Chúa thì nỗi sợ lớn nhất của chúng ta chính là tội lỗi.
Mầu nhiệm vĩ đại không phải là ở chỗ tại sao chúng ta yêu, mà là tại sao chúng ta lại được yêu. Tại sao chúng ta yêu thì dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta khiếm khuyết và luôn bất mãn vì tình trạng chưa tốt đẹp của mình. Còn tại sao lại có kẻ nào đó yêu chúng ta thì mới là mầu nhiệm, bởi vì khi nhìn vào cái bản thể thực sự của mình, chúng ta biết được chúng ta rất ít đáng yêu. Tuy nhiên vấn đề các loài thụ tạo khác yêu mến chúng ta dầu sao cũng chưa phải là một mầu nhiệm quá lớn lao vì họ cũng bất toàn như chúng ta. Còn riêng đối với tình yêu Chúa dành cho chúng ta thì quả thật chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nổi. Khi một linh hồn mới trở về với tình yêu mến Chúa thì thể nào cũng xốn xang trong lòng vì đã lỡ đánh mất quá nhiều thời gian. Như thánh Augustinô từng nói: “Ôi Thiên Chúa mỹ lệ tự ngàn xưa, con yêu Ngài quá trễ đi thôi”. Tuy nhiên, nỗi ân hận này được đền bù khi linh hồn ấy biết được rằng kế hoạch của Chúa luôn luôn là muốn cho chúng ta cuối cùng rồi cũng sẽ tìm đến nhận biết Ngài.
Chúng ta yêu thích được thấy kẻ khác lý tưởng hoá chúng ta trong tâm trí họ. Đó là một trong những niềm hoan lạc thú vị của tình yêu. Chúng ta trở thành tươi mát, ngây thơ, can đảm, mạnh mẽ trong tâm trí người mình yêu. Tình yêu khoả lấp đi sự hư hoại của linh hồn. Nụ xuân mới làm ta quên đi mùa đông ảm đạm. Không bao lâu, kẻ đang yêu sẽ thay thế những gì hiện đang có trong trí mình bằng những gì hiện đang nằm trong tâm trí người kia. Đây chính là điều mà trong tình yêu thương xảy ra sự lý tưởng hoá khiến người ta rất hài lòng. Đó là lý do tại sao tình yêu làm cho người ta nên tốt đẹp hơn. Khi kẻ kia nghĩ tốt về chúng ta thì thường là chúng ta sẽ cố gắng làm sao cho xứng đáng với ý nghĩ ấy. Những kẻ khác nghĩ rằng chúng ta tốt thì đó quả là nguồn khích lệ to tát giúp chúng ta trở nên tốt. Đó cũng là lý do tại sao mà một trong những nguyên tắc nền tảng của cuộc sống là phải nghĩ tốt cho kẻ khác, làm như thế chúng ta sẽ giúp họ trở nên tốt.
MẦU NHIỆM CỦA TÌNH YÊU
Ngay cả những mối tình nhân loại cao thượng nhất thì cũng có một lúc nào đó người ta cảm thấy mất đi tính cách nhiệm mầu. Giờ đây người ta đã lờn ngay cả với những gì tốt đẹp nhất, giống như những tay buôn nữ trang có thể cầm giữ những viên ngọc quí nhất mà chẳng thèm để ý chiêm ngắm chúng. Những gì chúng ta chiếm hữu được hoàn toàn rồi thì chúng ta không còn thèm nữa. Những gì đạt được rồi chúng ta sẽ chẳng hy vọng nữa. Thế mà hy vọng, ước muốn và nhất là mầu nhiệm lại là những thứ cần thiết để giúp chúng ta vui sống…
Một khi tháng ngày sống của chúng ta không còn cảm thấy có gì đáng ngạc nhiên nữa thì cuộc sống sẽ thành nhàm chán. Tâm trí chúng ta luôn luôn phải được vươn ra, phải rán đạt đến những giải pháp cho một số vấn đề mà lúc nào cũng như cố lẩn tránh chúng ta. Có thể do ảnh hưởng phổ biến của tiểu thuyết huyền bí nên khá nhiều người thời nay không còn thích luận bàn đến những mầu nhiệm của đức tin mà lại sẵn sàng tìm kiếm một cái gì đó thay thế cho những gì họ đã đánh mất. Độc giả các sách huyền bí dành hết thời gian để thắc mắc về cách thức một kẻ nào đó bị giết, chứ không thắc mắc về số phận vĩnh cửu của những người chết như đám người thời đại của Đantê và Michel Angêlô.
Người ta không thể nào hạnh phúc một khi cảm thấy thừa mứa. Cửa chưa mở, màn chưa kéo, nốt nhạc chưa đánh xuống mới làm cho chúng ta háo hức. Nếu “Tình yêu” chỉ thuộc bình diện thể lý thì chắc hẳn hôn nhân sẽ kết thúc khúc tình lãng mạn ấy, bởi vì cuộc săn đã kết thúc rồi thì mầu nhiệm sẽ hết là nhiệm mầu. Bất cứ khi nào người ta cho rằng đó là điều dĩ nhiên phải thế, người ta sẽ đánh mất đi tính nhạy cảm, tế nhị là đức tính thiết yếu tạo nên tình bạn, niềm vui và tình yêu trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Hôn nhân cũng thế! Một trong những hậu quả bi đát nhất của nó là chỉ chiếm hữu mà chẳng còn ham muốn nữa!
Một khi người ta chạm được tới đáy hay nghĩ rằng mình đã chạm tới đáy thì sẽ không còn tình yêu nữa! Làm cạn kiệt hết “mầu nhiệm” nơi nhân cách người kia tức là biến người ấy trở thành nỗi phiền toái. Phải luôn luôn có một cái gì đó chưa hé lộ, một mầu nhiệm nào đó chúng ta chưa thăm dò, một đam mê nào đó chúng ta không thể thoả mãn trọn vẹn… và điều này cũng đúng ngay cả trong vấn đề nghệ thuật. Chúng ta sẽ chẳng muốn nghe cô ca sẽ lải nhải mãi cung giọng chót vót của cô ta, cũng chẳng thích một diễn giả nào trình bày “toạc móng heo” một niềm cảm xúc nào đó của ông ta.
Một cuộc hôn nhân đích thực phải luôn bao hàm trong đó một mầu nhiệm càng lúc càng sâu, một thứ lãng mạn luôn luôn hấp dẫn. Ít nhất có thể liệt kê ra đây bốn mầu nhiệm của hôn nhân. Thứ nhất là mầu nhiệm đến từ thân xác người phối ngẫu mà ta gọi là mầu nhiệm tính dục. Khi mầu nhiệm ấy đã chu tất và đứa con đầu lòng chào đời thì một mầu nhiệm mới lại khởi đầu. Người chồng nhìn thấy nơi vợ mình điều mà trước kia anh ta chưa từng thấy đó là mầu nhiệm tuyệt vời của tình mẫu tử. Còn người vợ thì nhìn thấy nơi chồng mầu nhiệm ngọt ngào của tình phụ tử. Trong khi những đứa con khác tiếp tục ra đời hâm nóng lại sức lực và nét đẹp của họ, thì trước mắt cô vợ anh chồng xem ra chẳng bao giờ già hơn ngày đầu họ gặp gỡ nhau và trước mắt anh chồng, cô vợ vẫn mãi đẹp xinh như ngày họ mới đính hôn thệ ước.
Rồi khi các đứa con đến tuổi khôn lớn thì bắt đầu hé mở mầu nhiệm thứ ba: mầu nhiệm của tài năng bố mẹ sử dụng để uốn nắn tâm hồn đám trẻ đi theo đường lối Chúa. Trong khi đám trẻ càng tiến tới tuổi trưởng thành thì mầu nhiệm này vẫn tiếp tục triển nở, nhân cách từng đứa con luôn là điều bố mẹ phải thăm dò và uốn nắn để ngày càng trở nên giống với vị Thiên Chúa của Tình yêu hơn.
Mầu nhiệm thứ tư trong hạnh phúc hôn nhân hệ tại đời sống xã hội của đôi vợ chồng, hệ tại sự đóng góp của họ cho sự sung mãn của thế giới. Căn rễ của chế độ dân chủ nằm ở nơi đây bởi vì trong gia đình mọi người không đánh giá một cá nhân theo những gì tài khéo, những gì cá nhân ấy có thể cống hiến mà lại đánh giá dựa trên chính bản thể của cá nhân ấy. Chỉ cần cá nhân ấy có mặt trong gia đình là đủ đảm bảo có được vị thế riêng cho mình. Chẳng hạn một đứa trẻ dù bị câm hay mù, một đứa con dù bị tàn tật vì chiến tranh thì nó vẫn được yêu mến như một đứa con trong gia đình và như một đứa con của Thiên Chúa. Không cha mẹ nào giảm đi lòng yêu mến đối với đứa con khi nó có thêm quyền chức hoặc khôn ngoan sành sỏi, cũng không cha mẹ nào băn khoăn về giai cấp của con cái mình. Sự kính trọng nhân vị vì nhân vị nơi cuộc sống gia đình chính là nền tảng xã hội làm điểm tựa cho một cuộc sống cộng đoàn rộng lớn hơn. Nó cũng là lời nhắc nhở đầy hiệu nghiệm giúp ta luôn nhớ đến nguyên tắc chính trị quan trọng nhất đó là: sở dĩ có nhà nước là vì lợi ích của con người, chứ không phải con người phải phục vụ lợi ích của nhà nước.
TÌNH YÊU VÀ TRẠNG THÁI XUẤT THẦN
Xuất thần có nghĩa là “xuất ra khỏi chính mình” hay nói rộng hơn, là sự cố người đang yêu như xuất ra khỏi bản thân mình, và tập trung mọi suy nghĩ vào kẻ mình yêu. Đám thanh niên thiếu nữ thường ngạc nhiên không hiểu tại sao phụ huynh chúng lại biết được chúng đang yêu; sở dĩ thế là vì họ thấy chúng cứ thường ngẩn ngơ mơ mộng, đăm đăm nhìn vào khoảng không chả thiết gì đến ăn uống. Tình yêu đã “hớp hồn” chúng như thế đấy!
Vả lại tình yêu thường là nền cho các mẩu chuyện nói về những vị giáo sư đãng trí, vào những đêm mưa, đem dù vào mùng để ngủ, những điều thú vị ấy trong đầu họ đã “lôi họ ra” khỏi thế giới chung quanh. Bất cứ thứ tình yêu mãnh liệt nào cũng mang lại hậu quả giống như thế, tức là làm cho kẻ đang yêu trở thành hờ hững với những khó khăn vụ thể cũng như những hoàn cảnh đáng chán quanh mình. Sống trong cái chòi mà yêu nhau thì thú vị hơn trong phòng ốc sang trọng mà mất nhau. Những kẻ yêu mến Chúa lại còn tỏ ra hờ hững với thế giới chung quanh một cách quái lạ hơn nữa: chẳng hạn Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô say mê khi nhìn thấy Chúa bị nghèo khổ đến nỗi quên cả ăn. Còn Edna Vincent Millay thì viết về cuộc sống người Kitô hữu như sau: “Nếu mỗi chiều bạn đều cắm lều gần bên Kinh thành mà bạn thực sự ao ước được sống trong đó, và được nhìn rõ hơn cổng thành của nó, thì bạn sẽ có thể nằm trên cây gai, trên bầy rắn độc mà hầu như chẳng nhận ra mình đang nằm ở đâu”.
Tuy nhiên có điểm khác biệt lớn lao giữa tình yêu nhân loại và tình yêu mến Chúa mặc dù cả hai thứ tình này đều “lôi cuốn” chúng ta. Nơi tình yêu nhân loại, sự “xuất thần” thường xảy đến lúc ban đầu. Còn trong tình yêu mến Chúa, sự xuất thần chỉ có thể đạt được sau khi người ta đã trải qua bao nỗi đau đớn kinh khiếp trong tâm hồn. Trong lạc thú xác thân, thì trước hết là tiệc tùng sau đó mới đến chay tịnh và có thể còn bị nhức đầu nữa. Còn trong lĩnh vực thiêng liêng, trước hết là chay tịnh và có thể là cơn nhức đầu nữa sau đó mới có thể tới tiệc tùng. Những lạc thú “mê mẩn” mà hai vợ chồng vui hưởng lúc khởi đầu cuộc hôn nhân trong một ý nghĩa nào đó, giống như một “bả mồi” dụ họ chu tất sứ mệnh làm cha làm mẹ. Tuần trăng mật chẳng qua là một thứ chứng khoán Chúa ban cho cả hai để sau này họ phải trả bằng cách lo gầy dựng một gia đình. Tuy nhiên không có cơn xuất thần mãnh liệt nào dù thuộc tinh thần hay thể xác chúng ta được hưởng lâu dài mà không đòi phải trả giá. Mỗi cơn xuất thần đều kèm theo cái giá đòi buộc của nó.
“Sự hăng hái ban đầu là hăng hái giả tạo” xét về mặt hôn nhân cũng như mặt tôn giáo. Cơn “xuất thần” buổi sơ khai không phải là xuất phát từ thứ tình yêu chân thực và bền vững để chúng ta kiếm tìm, nắm lấy. Cơn xuất thần ấy hẳn sẽ đến với chúng ta, nhưng chỉ sau khi chúng ta đã trải qua nhiều thử thách tôi luyện, vẫn trung tín dù bị vùi dập, vẫn kiên gan mà không hề ngã lòng, vẫn vững tâm theo Chúa mặc cho bao quyến rũ của trần thế này. Thật tuyệt vời biết bao khi những bậc làm cha mẹ trong Kitô giáo cảm nếm được thứ tình yêu xuất thần sâu thẳm này, tuy nhiên họ đã phải bước qua khổ đau đồi Canvê mới có được thứ tình yêu ấy. Cơn xuất thần của họ mới là thực sự, giới trẻ ít được nó cho bằng giới già.
Cơn “mẩn mê” đầu tiên của tình yêu quả thực rộn ràng, nhưng dù sao cũng vẫn còn mang tính ích kỷ, bởi vì kẻ đang yêu thế nào cũng tìm kiếm nơi người mình yêu mọi thứ mình sẽ trao ban. Còn trong cơn xuất thần thứ hai, kẻ ấy cố gắng nhận lãnh từ Thiên Chúa mọi thứ mà cả hai người đều có thể trao ban. Nếu chỉ đồng hoá tình yêu với cơn “mùi mẫn” ban đầu thì phải có người kia hiện diện, tình yêu ấy mới có thể kéo dài, còn nếu đồng hoá tình yêu đó với thứ tình yêu kết hiệp, lâu bền và vĩnh cửu thì tình yêu sẽ đi tìm mầu nhiệm sâu kín của mình nơi Thiên Chúa, là Đấng đã đặt mọi thứ tình yêu nơi trái tim chúng ta.
Quá nhiều ông chồng bà vợ kỳ vọng nơi bạn đời mình sẽ trao ban điều mà thực ra chỉ mỗi mình Chúa mới có thể ban cho: đó là sự “đê mê vĩnh hằng”. Giả như có ông này bà nọ làm đươc điều đó, thì chắc hẳn họ là Chúa chứ chẳng phải là người. Chúng ta có lý khi ước muốn đạt được cơn xuất thần trong tình yêu, tuy nhiên nếu chúng ta hy vọng hưởng được nó qua lạc thú xác thịt là thứ nằm trong tiến trình dẫn chúng ta đến với Chúa, thì ắt hẳn chúng ta sẽ phải thất vọng. “Sự mùi mẫn” đầu tiên của tình yêu không phải là một ảo tưởng, tuy nhiên nó cũng chỉ là một thứ thẻ du lịch, một thứ để nếm trước, duyệt trước, thôi thúc thân xác và linh hồn khởi bước cuộc hành trình tìm đến những niềm hoan lạc vĩnh cửu. Nếu cơn mùi mẫn đầu tiên này qua đi thì không có nghĩa là nó mời gọi chúng ta đi tìm một người khác mà là yêu theo một đường lối khác, và con đường khác này chẳng ai ngoài Đức Kitô, Đấng đã từng phán: “Ta là đường”. |